Bị dẫn trước bởi ứng viên số 1 cho chức vô địch Asian Cup, ĐT Việt Nam vẫn kiên cường với tinh thần thi đấu không sợ hãi, và sớm có bàn gỡ hoà do công Đình Bắc. Đây vẫn luôn là đặc điểm của đội bóng dưới thời HLV Philippe Troussier.
Tại SEA Games 32, giải đấu chính thức đầu tiên từ khi chiến lược gia người Pháp nhậm chức, các cầu thủ trẻ Việt Nam có 2 trận đấu khó khăn nhất gặp Thái Lan (vòng bảng) và Indonesia (vòng bán kết). Trong cả 2 trận này, U22 Việt Nam đều nhận bàn thua.
Achitpol đưa Voi chiến vượt lên ngay phút thứ 3 trên sân Prince, còn Nhật Nam gỡ hoà cho U22 Việt Nam. Kết quả hoà 1-1 giữ nguyên tới hết trận. Đến vòng bán kết với Indonesia, U22 Việt Nam thủng lưới phút thứ 10 do công Teghu Trisnanda, xuất phát từ quả ném biên tầm xa của Pratama Arhan. Ngay trong hiệp 1, Văn Tùng đưa trận đấu trở về thế cân bằng.
Tháng 5 tại Campuchia, ĐT U22 Việt Nam trở thành cựu vô địch SEA Games sau khi thua U22 Indonesia. Ảnh: TH
|
SEA Games là giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ dưới 22 tuổi, nhưng có lý do để đưa làm tham chiếu, bởi HLV Troussier đang xây dựng nòng cốt ĐT Việt Nam gồm rất nhiều cầu thủ trẻ. Ở trận gặp Nhật Bản, có 6 cái tên sinh sau năm 2000 được đá chính/đưa vào sân, gồm Nguyễn Thái Sơn, Khuất Văn Khang, Võ Minh Trọng, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Đình Bắc và Nguyễn Văn Trường. Dàn sao trẻ thi đấu với tinh thần không khuất phục và có thời điểm dẫn ngược Nhật Bản 2-1.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm mạnh về tinh thần chiến đấu, đội bóng của HLV Troussier còn nguyên những tử huyệt nơi hàng phòng ngự. Ngay trong hiệp 1, Minamino và Nakamura đã đưa ĐT Nhật Bản một lần nữa dẫn 3-2, và chung cuộc thắng 4-2. Hàng phòng ngự của Việt Nam choáng váng mỗi khi đối thủ gây sức ép và cảm giác có thể nhận bàn thua bất cứ lúc nào.
HLV Troussier vẫn chưa giải quyết điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Việt Nam. Ảnh: TH
|
Trở lại với trận bán kết SEA Games 32, U22 Việt Nam cùng U22 Indonesia cũng tạo ra màn rượt đuổi tỷ số kịch tính. 2 lần Indonesia vươn lên dẫn trước, nhưng đến khi đối thủ bị đuổi người phút 60 (Pratama Arhan nhận thẻ đỏ), Việt Nam chỉ có bàn gỡ và không tận dụng được lợi thế để ghi bàn quyết định. Trái lại, toàn đội còn thua ở phút bù giờ.
Kết quả này đem tới cảm giác tiếc nuối, không khác nào trận thua Iraq ở vòng loại World Cup vừa qua, khi cũng nhận bàn thua ở phút bù giờ. Sự tập trung tới những khoảnh khắc quyết định, hệ thống phòng ngự vẫn luôn là vấn đề với HLV Philippe Troussier – bất kể toàn đội duy trì được lối chơi ổn định, không hoảng loạn khi bị dẫn bàn và có thừa sự quyết tâm. Từ Campuchia đầy nắng tháng 5, tới ngày đông lạnh giá của Hà Nội. Gần 1 năm trôi qua, đội bóng dưới sự dẫn dắt của ông vẫn thua ở những thời điểm quan trọng đầu trận, cuối hiệp, cuối trận.
Hàng phòng ngự ĐT Việt Nam cần bịt kín những khoảng trống trong những khoảnh khắc quan trọng
|
Chạm trán ĐT Indonesia vào ngày mai là trận đấu có ý nghĩa quyết định tới chiếc vé đi tiếp. Dưới thời HLV Shin Tae Yong, Indonesia chưa từng thắng, thậm chí ghi bàn vào lưới Việt Nam sau 4 trận đối đầu. Đây là một lợi thế tinh thần lớn, nhưng ĐT Việt Nam cần đảm bảo sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự, giống như dưới thời HLV tiền nhiệm Park Hang Seo.
Vốn đã quen mặt và biết rõ lối chơi lẫn nhau, trận đấu này sẽ được quyết định chỉ trong khoảnh khắc. Nếu không thể tạo ra thế trận kiểm soát, tuyển Việt Nam cần cái đầu lạnh để đảm bảo hàng thủ chắc chắn, tránh cuốn vào lối chơi của đối thủ. Indonesia sở hữu chiều cao trung bình tốt hơn (179,6 cm so với 175,3 cm), họ có hai cánh rất mạnh cùng những cầu thủ mang dòng máu châu Âu thể hình vượt trội.
Những dấu hiệu tích cực trong trận ra quân với Nhật Bản cần được duy trì, và tạo thành một kết quả trông thấy được. Sẽ là vô nghĩa nếu ĐT Việt Nam thua đẹp trước Nhật, nhưng không cải thiện được những nhược điểm dẫn đến nguy cơ trả giá đắt ở những trận đấu tiếp theo.