Đội tuyển Đan Mạch khi có được bàn thắng dẫn trước ở trận chung kết EURO 1992 vẫn đang nỗ lực phòng thủ trước sức ép của đội tuyển Đức trong phần còn lại của trận đấu. Thời điểm này, đội tuyển Đan Mạch gần như bị vây hãm bởi những đợt tấn công liên tiếp từ phía tuyển Đức. Thủ môn Peter Schmeichel - một hòn đá tảng ở trong khung thành của Đan Mạch vẫn đang nỗ lực thực hiện những pha cứu thua để bảo toàn mảnh lưới cho 'những chú lính chì dũng cảm'. Tuy nhiên nếu cứ tiếp tục để Đức tạo áp lực như vậy thì sớm muộn bàn gỡ hoà cũng sẽ tới.
Viễn cảnh ở trận chung kết năm đó thật khó tin khi chúng ta nhận ra Đan Mạch - đội bóng thậm chí không vượt qua được vòng loại của EURO 1992 và có được tấm vé tham dự nhờ việc Nam Tư bị miễn tư cách tham dự giải đấu, lại đang là đội bóng tiến rất gần đến việc nâng cup vô địch của giải đấu. Họ là đội đã vươn lên dẫn trước tuyển Đức nhờ bàn thắng không tưởng của John Jensen từ ngoài vòng cấm. Và với lợi thế mong manh đó, họ đã cố gắng làm tất cả để giữ vững lợi thế mà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khi bắt đầu nhường thế trận cho tuyển Đức gây sức ép.
Rồi khi đồng hồ trận đấu bước sang phút 78, một đường chuyền đã được hướng tới tiền vệ tấn công - Kim Vilfort ở gần vòng cấm địa của tuyển Đức. Thời gian lúc đó cảm giác như đã ngừng lại. Tất cả ánh mắt ở trên khán đài đều đổ dồn vào Vilfort khi anh bắt đầu kiểm soát trái bóng được chuyền tới trước khi thực hiện một động tác qua người và mở ra một cơ hội dứt điểm trước mặt thủ môn Bodo Illgner của Đức. Đó quả thực là cơ hội để khép lại một chương đẹp nhất trong lịch sử bóng đá Đan Mạch. Nếu thành công, Vilfort sẽ trở thành người hùng. Và cú ra chân quyết đoán sau đó đã giúp Đan Mạch có được bàn thắng để dứt điểm trận đấu.
Khoảnh khắc ghi bàn đó thực sự rất ý nghĩa với Vilfort, đặc biệt là khi chúng ta nhìn bi kịch mà anh phải đối mặt trước thềm giải đấu. Nó thực sự khiến những người theo dõi theo anh và tình huống bóng quyết định đó tại sân Ullevi ở Gothenburg phải suy ngẫm về một tấm gương đã vượt qua những bi kịch cá nhân để cống hiến hết mình khi thi đấu và mang về vinh quang cho cả một quốc gia.
Ngày còn trẻ, Vilfort đã rất nổi bật nhờ kỷ lục ghi bàn có được trong lần đầu ra mắt tại giải VĐQG Đan Mạch với đội bóng Frem - CLB ở gần ngoại ô Valby, Copenhagen. Đó là nơi anh lớn lên sau khi đã trải qua các cấp độ trẻ ở Skovlunde. Bốn mùa giải đầu tiên ấn tượng với Frem đã giúp Vilfort lọt vào tầm ngắm của các đội bóng tại Châu Âu. Và ở mùa hè năm 1985, anh đã chuyển đến thi đấu cho Lille.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế của Vilfort với Đan Mạch bắt đầu từ trận ra mắt vào năm 1983 tại vòng loại Olympic. Anh đã thi đấu 77 trận trong hơn một thập kỷ cho đội tuyển quốc gia Đan Mạch trong khi sự nghiệp thi đấu ở cấp CLB tại Pháp kết thúc chỉ sau một mùa giải. Và sau khi chia tay với Lille, anh trở lại Đan Mạch và trở thành một biểu tượng của CLB Brøndby mãi về sau này.
Vilfort thi đấu cho CLB khổng lồ của Copenhagen trong 12 mùa giải. Anh từ vị trí tiền đạo chuyển sang chơi ở vai trò tiền vệ tấn công cho Brøndby. Chính vai trò ấy đã biến Vilfort trở thành huyền thoại của câu lạc bộ và là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội bóng (một kỷ lục mà anh vẫn giữ đến tận ngày nay). Ngoài ra, Vilfort cũng cùng với Brøndby giành được mười danh hiệu lớn tại Đan Mạch. Vilfort là một thành viên quen mặt của ĐTQG và anh cũng góp mặt trong vài trận tại chiến dịch EURO 1988 không mấy thành công của đội tuyển Đan Mạch.
Và ở thời điểm EURO 1992 diễn ra, Vilfort đã là cầu thủ Đan Mạch xuất sắc nhất năm 1991 khi giúp Brøndby vào bán kết Cúp UEFA. Nòng cốt của đội tuyển Đan Mạch ở EURO 1992 cũng chính là những cầu thủ của Brøndby (10 cầu thủ). Với một tập thể có nhiều cá nhân đã từng thi đấu lâu năm với nhau tại CLB thì Đan Mạch năm đó đã thực sự có một tập thể rất gắn kết để hướng tới EURO.
Nhưng trước năm 1992, người ta chỉ nhớ về đỉnh cao của bóng đá Đan Mạch tại EURO 1984 và World Cup 1986. Đội tuyển Đan Mạch dưới thời chiến lược gia Sepp Piontek khi ấy có biệt danh là Danish Dynamite được coi là thế hệ bóng đá có tính hấp dẫn và đáng được khen ngợi nhất khi họ có trong tay những cầu thủ tài năng như Michael Laudrup hay Preben Elkjaer. Tuy nhiên, mọi thứ đã bắt đầu vướng vào những rắc rối khi Đan Mạch bị nhận cáo buộc dàn xếp tỷ số tại EURO 1988 - kỳ EURO mà Đan Mạch đã không thể vượt qua vòng bảng khi để thua cả 3 trận trước Tây Ban Nha. Sau đó, họ còn bị loại ra khỏi Olympic vì đã phát hiện ra một cầu thủ không đủ tư cách thi đấu (Per Frimann) trong chiến thắng 2-0 trước Ba Lan tại vòng loại Olympic 1988.
Nhiều cầu thủ trong đội hình tham dự vòng loại Olympic năm đó sau này đã trở thành tuyển thủ của đội tuyển quốc gia Đan Mạch. Vilfort là một trong những cầu thủ thường xuyên thi đấu quốc tế trong giai đoạn này cùng với những cái tên như Schmeichel, Lars Olsen, Kent Nielsen và John Jensen. HLV Olympic năm đó của Đan Mạch năm đó là Richard Møller Nielsen (trước đó làm trợ lý cho HLV Sepp Piontek) sau này cũng đã được bổ nhiệm làm HLV trưởng Đan Mạch tại EURO 1992.
HLV Nielsen đã gặp nhiều khó khăn khi bị so sánh với người tiền nhiệm của mình tại ĐTQG Đan Mạch, đặc biệt là về triết lý bóng đá mà ông theo đuổi. Cách tiếp cận thực dụng hơn của ông là nguồn gốc gây ra mâu thuẫn với anh em nhà Laudrup, đặc biệt là Michael Laudrup. Chiến dịch vòng loại Euro 92 đã diễn ra đầy sóng gió với đội tuyển Đan Mạch. Sau khi họ bị cầm hòa ở Bắc Ireland và thua trước Nam Tư cũ trên sân nhà, Michael Laudrup đã tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế ở tuổi 26; còn anh trai Brian Laudrup sau đó cũng rời khỏi đội tuyển Đan Mạch. Ở thời điểm đó, anh em nhà Laudrup cảm thấy không thể thi đấu dưới sự dẫn dắt và những chiến thuật mà họ cho là rất cứng ngắc của HLV Nielsen.
Anh em nhà Laudrup và HLV Richard Møller Nielsen
|
Tuy nhiên, khi không có hai cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Đan Mạch vào thời gian đó, vận may của đội tuyển Đan Mạch lại cải thiện đáng kể. Họ đã thắng tất cả năm trận vòng loại còn lại, bao gồm cả trận đấu trên sân khách ở Nam Tư. Nhưng những chiến thắng đó vẫn chưa đủ để giúp Đan Mạch góp mặt tại EURO 1992. Những thất bại ban đầu đã khiến họ không thể bắt kịp Nam Tư và phải chấp nhận một mùa hè nữa trôi qua mà không được tham dự giải đấu lớn nhất các đội tuyển tại Châu Âu.
Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi 180 độ với bóng đá Đan Mạch khi Liên Hợp Quốc thời điểm đó áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nam Tư do cuộc xung đột quanh khu vực Balkan và tình trạng bất ổn tại khu vực này, Và một trong những biện pháp trừng phạt đã khiến UEFA (Liên đoàn bóng đá Châu Âu) ngăn cản Nam Tư tham gia vào vòng chung kết EURO 1992. Và chỉ mười ngày trước khi giải đấu bắt đầu tại Thụy Điển, Đan Mạch đã được mời để thay thế cho vị trí của Nam Tư.
Câu chuyện về việc đội tuyển Đan Mạch phải triệu tập gấp các cầu thủ đang nghỉ dưỡng ở những bãi biển để gấp rút tham dự giải đấu là hơi phóng đại. Bởi vì hầu hết các cầu thủ trong đội tuyển Đan Mạch thời gian đó đều tham gia các trận giao hữu quốc tế và đang chuẩn bị đối đầu với CIS (đội tuyển Liên Xô cũ) khi họ nghe tin tức về việc mình được mời thi đấu thay thế cho Nam Tư. Trên thực tế khi lệnh trừng phạt được ban hành thì đã có nhiều đồn đoán về việc Đan Mạch được mời tham dự thay thế nên việc đoàn quân của Nielsen được bổ sung vào giải đấu là điều có thể dự đoán trước.
Với việc không có được sự chuẩn bị tốt nhất thì chẳng một ai hy vọng vào việc Đan Mạch có thể tạo nên được bất kỳ điều gì bất ngờ tại giải đấu năm đó. Trong mắt những chuyên gia lúc ấy, họ chỉ đơn giản là đến với giải đấu trong vai trò của một đội tuyển thay thế cho một quốc gia đã bị cấm thi đấu.
Đội hình đến với EURO 1992 của Đan Mạch |
Việc phần lớn đội hình đến từ CLB Brøndby đã giúp ích rất nhiều cho tập thể của Đan Mạch khi ấy, nhưng nhìn chung phải công nhận đó là một tập thể có rất nhiều tài năng. Họ chỉ để thua sít sao trước Nam Tư – một đội tuyển có những tài năng đủ để được coi là một trong những đội mạnh nhất châu Âu lúc bấy giờ. Chính vì thế khi ta nhìn sang Đan Mạch thì họ rõ ràng là có khả năng để tạo nên những chuyện bất ngờ tại EURO năm đó. Nếu thi đấu vòng loại ở một bảng đấu khác, có lẽ họ đã có vé trực tiếp đến với EURO chứ không phải tham dự giải qua việc thi đấu thay thế cho một đội tuyển bị cấm tham dự.
Ở thời điểm EURO 1992 diễn ra, Brian Laudrup đã quay trở lại với đội tuyển nhưng người em của anh là Michael Laudrup vẫn quyết định không tái ngộ với ĐTQG tại mùa hè ở Thụy Điển. Đan Mạch có thể không có những cầu thủ tốt nhất ở mùa hè 1992, nhưng họ có một tập thể rất mạnh với tinh thần tuyệt vời. Và khi được mời đến thi đấu năm đó, các cầu thủ Đan Mạch đều tỏ ra rất thoải mái và không gặp phải quá nhiều áp lực về việc có đạt được gì tại giải đấu hay không.
Mùa hè năm 1992 là thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc đời của Kim Vilfort. Trong khi các đồng đội của anh có thể vui vẻ tận hưởng niềm vui chuẩn bị được tham dự EURO thì với Vilfort, anh lại phải đón nhận thông tin đó khi cuộc sống cá nhân đang đi đến bờ vực sụp đổ. Thời điểm đó, cô con gái 7 tuổi của Vilfort là Line đang phải điều trị bệnh bạch cầu trong bệnh viện. Vilfort vì vấn đề của con gái và gia đình nên đã tập trung cùng đội tuyển tại Thụy Điển muộn hơn so với các đồng đội. Lúc ấy, con gái của anh có vẻ vẫn thích ứng rất tốt với pháp đồ điều trị của bệnh viên đưa ra.
Một cảnh mô tả lại cảnh Kim Vilfort thăm con gái trong bộ phim Summer of '92
|
Vilfort và Đan Mạch năm ấy đã có được phong độ khá ổn định ở những trận mở màn mặc dù không gây ấn tượng quá mạnh tới giới truyền thông. Họ có một trận hoà không bàn thắng trước tuyển Anh và sau đó là thua sít sao trước chủ nhà Thụy Điển ở trận tiếp theo. Kết quả sau 2 lượt trận đấu khiến họ buộc phải thắng đội tuyển Pháp - một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch ở lượt trận cuối cùng mới có cơ hội đi tiếp. Nhưng khi đối đầu với một đội bóng mạnh như vậy, Đan Mạch lại phải chấp nhận họ sẽ ra sân mà không có Vilfort trong đội hình.
Sau khi cùng Đan Mạch tham dự 2 trận đầu tiên của vòng bảng, Vilfort đã buộc phải trở về quê nhà Copenhagen để ở cạnh con gái trên giường bệnh. Tình trạng bệnh bạch cầu của Line đã trở nên tệ hơn khi giải đấu diễn ra. Những suy nghĩ về việc vô địch EURO cùng Đan Mạch chắc chắn phải là những ý tưởng xa vời nhất với Kim Vilfort vào thời điểm đó. Có lẽ vào thời gian ấy, Vilfort cũng không có để tâm quá nhiều vào giải đấu nữa bởi tình trạng sức khoẻ của Line đã xấu đi đến mức hy vọng của gia đình anh đã không còn đủ vững nữa.
Khi vắng mặt Kim Vilfort trong đội hình, Đan Mạch vốn được dự đoán sẽ phải sớm chia tay giải đấu lại thi đấu như không phải gặp bất kỳ áp lực nào về việc phải lọt vào vòng trong. Trong khi đó, đội tuyển Pháp thì đang bị kìm hãm bởi kỳ vọng từ người hâm mộ của đội tuyển này ngày một tăng cao khi hai đội hoà nhau 1-1. Và đi ngược lại với mọi dự đoán của người hâm mộ về một chiến thắng cho Pháp thì bàn thắng muộn màng của Lars Elstrup đã giúp Đan Mạch giành thắng lợi kịch tính 2-1 để qua đó chiếm lấy một tấm vé vào thẳng vòng bán kết của giải đấu.
Việc vào bán kết của Đan Mạch vô tình tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan với Vilfort. Tuy nhiên khi tình trạng bệnh tình của con gái đang chuyển biến xấu thì anh đã xác định trong suy nghĩ của mình rằng sẽ không trở lại Thụy Điển để thi đấu nốt phần còn lại của giải đấu mà sẽ ở lại với vợ và con gái trong những ngày tháng có thể coi là cuối cùng của Line. Nhưng sau đó gia đình của Vilfort đã thuyết phục anh nên trở lại Thụy Điển để thi đấu trận bán kết và có thể trở về với họ vài ngày sau đó bất kể có thắng hay thua. Năm đó, chuyện vượt qua vòng bảng đã là kỳ tích của Đan Mạch rồi chứ chưa nói tới chuyện họ sẽ đánh bại nhà đương kim vô địch Hà Lan. Chúng ta - những người ngoài cuộc khi nhìn vào câu chuyện ấy chỉ có thể nói rằng đó là một quyết định rất khó khăn và gây đau đớn cho cá nhân Vilfort. Nó có thể khiến anh bỏ lỡ đi những thời gian cuối cùng bên con nhưng ở mặt khác sự trở lại của anh với hàng công của Đan Mạch sẽ có tác động rất lớn đến giải đấu và vận mệnh của đội tuyển áo đỏ trắng vào năm đó.
Việc Đan Mạch đã đánh bại đội tuyển Pháp mà không có Vilfort khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu Henrik Larsen - người thay thế cho Vilfort và là cầu thủ đã ghi bàn trước tuyển Pháp có thể sẽ chiếm mất vị trí của Vilfort hay không? Tuy nhiên khi Vilfort trở lại, anh vẫn được HLV Nielsen tin dùng bởi cá nhân tiền đạo sinh năm 1962 đã trở thành trụ cột của đội tuyển trong nhiều năm về trước. Và ở trận đấu với Hà Lan, HLV Nielsen đã quyết định sử dụng cả Larsen và Vilfort ở trên hàng công. Đó quả thật là một quyết định sáng suốt bởi sau đó Vilfort đã phải thừa nhận rằng đó là trận đấu hay nhất mà anh đã từng chơi bất chấp những khủng hoảng mà anh phải đối mặt trong quá trình giải đấu diễn ra.
Trong khi Henrik Larsen tạo được điểm nhấn với cú đúp bàn thắng để giúp Đan Mạch có 2 lần dẫn trước đội tuyển Hà Lan thì đóng góp của Kim Vilfort cũng không kém phần quan trọng. Ở vai trò tiền vệ tấn công và là một trong số ít cầu thủ trong đội có khả năng tấn công, Vilfort đã trở thành một điểm tựa quan trọng của Đan Mạch khi đội bóng của anh gặp áp lực. Với nguồn năng lượng dồi dào và khả năng luôn bám sát chiến thuật được đưa ra từ ban đầu của Vilfort thực sự là đáng nể khi anh phải đối đầu với một dàn sao của đội tuyển Hà Lan.
Đối đầu với những tên tuổi máu mặt tại Châu Âu thời ấy như Frank Rijkaard, Ruud Gullit và cả cái tên Dennis Bergkamp chơi lùi sâu thì phải công nhận Vilfort, Larsen và Jensen của Đan Mạch đã có một trận đấu rất quả cảm để hỗ trợ bảo vệ hàng thủ của Peter Schmeichel. Nếu không có bàn thắng ở tình huống lộn xộn vài phút trước khi trận đấu hết giờ thì có lẽ 'những người Hà Lan bay' đã phải chấp nhận trở thành cựu vương từ sớm. Nhưng bóng thì cũng đã bay vào lưới và lúc ấy Hà Lan đã trở về từ cõi chết để gỡ hoà 2-2 đồng thời kéo trận đấu tới thời gian của hiệp phụ.
Trận đấu sau đó đã phải kéo dài tới những loạt sút luân lưu khi Đan Mạch vẫn tỏ ra rất kiên cường và không để cho Hà Lan xuyên thủng mảnh lưới thêm bất kỳ lần nào trong 30 phút của hiệp phụ. Và ở loạt sút luân lưu năm đó, Van Basten - cầu thủ nhận 2 danh hiệu quả bóng vàng ở năm 1988 và 1989 đã trở thành cầu thủ duy nhất thực hiện không thành công lượt sút luân lưu. Cú dứt điểm của Van Basten đã bị Peter Schmeichel đổ người và đẩy bóng chính xác. Ở loạt sút luân lưu ấy, Vilfort lãnh trách nhiệm lượt sút thứ 4 của Đan Mạch và anh là 1 trong 5 cầu thủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên chấm đá luân lưu. Thắng đương kim vô địch Hà Lan với tỉ số 5-4 sau loạt sút luân lưu, Đan Mạch từ một đội không ai kỳ vọng bất kỳ điều gì tại EURO 1992 đã hiên ngang tiến vào trận chung kết của giải đấu.
"Bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng mình sẽ ghi bàn. Nhưng bạn phải tin mình sẽ làm được chuyện đó và hãy gạt bỏ mọi thứ khi đã bước lên chấm đá luân lưu" - Kim Vilfort chia sẻ sau loạt đá luân lưu với tuyển Hà Lan. Đó có lẽ chỉ là lời khuyên của anh cho những thế hệ cầu thủ sau này nhưng ở thời điểm đó có lẽ Vilfort đã phải gạt bỏ rất rất nhiều thứ quan trọng trong cuộc đời mình để xua tan đi lo lắng và thực hiện thành công quả đá luân lưu.
Sau trận đấu với Hà Lan, anh lại trở về với Line tại Copenhagen. Khi trở về bên con gái, anh lại một lần nữa yếu lòng và không chắc mình sẽ trở lại với đội tuyển Đan Mạch để thi đấu nốt trận chung kết của EURO. Nhưng thời điểm đó chính cô con gái của anh - Line đã nài nỉ Vilfort phải trở lại cùng với Đan Mạch để một lần nữa đại diện cho đất nước trong khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Đan Mạch và hơn hết là mang vinh quang đầu tiên cho ĐTQG Đan Mạch tại trời Âu. Anh đã được tiếp thêm nguồn động lực từ sự dũng cảm đến phi thường của cô con gái đang mang bạo bệnh và trở lại với đội tuyển Đan Mạch ngay trước đêm trận đấu chung kết diễn ra.
Bệnh tình của Line (con gái Vilfort) ngày một trở nặng sau khi anh đá xong trận bán kết
|
Và rồi khi bước vào trận đấu chung kết của giải đấu, Đan Mạch đã có một khởi đầu không thể tốt hơn khi họ có được bàn dẫn trước nhờ pha ra chân tuyệt đỉnh của Jensen. Sau quãng thời gian đó, những chiến binh áo đỏ đã phải gồng mình để chống đỡ những đợt tấn công từ người Đức nhưng với sự xuất sắc từ những pha cản phá của Schmeichel thì Đan Mạch vẫn đứng vững và không phải nhận bàn thua. Để rồi khi đồng hồ bước sang phút 77, khoảnh khắc quyết định trận đấu đã chọn lấy cái tên Kim Vilfort. Anh tận dụng một đường bóng bật về từ pha không chiến ở giữa sân và có một pha xử lý gọn gàng để loại bỏ các hậu vệ của Đức trước khi vào vị trí thuận lợi để dứt điểm. Cú dứt điểm bằng chân trái của anh bay qua tầm với của thủ thành Bodo Illgner đi trúng cột dọc và nảy vào lưới trống. Khoảnh khắc đó gần như đã biến mọi thứ không thể thành có thể, biến một Đan Mạch từ không có hy vọng gì đến ngưỡng cửa của một nhà vô địch EURO.
Nhiều thành viên trong đội tuyển Đan Mạch khi đó thừa nhận rằng nếu như đội tuyển Đức có được bàn gỡ hoà, họ sẽ không thể nào lấy lại được tinh thần và giành chiến thắng trận đấu. Khoảnh khắc toả sáng của Vilfort đã mang lại rất nhiều ý nghĩa cho những phút giây chiến đấu hết mình của hàng thủ và cả những pha cản phá xuất thần của Schmeichel. Câu chuyện cổ tích của Đan Mạch sau đó đã hoàn thành một thành cách mỹ mãn khi họ giành thắng lợi chung cuộc 2-0 trước người Đức. Và trong câu chuyện cổ tích của những người hùng năm ấy thì chắc chắn Vilfort là con người nổi bật nhất với những gì mà anh đã phải trải qua xuyên suốt thời gian giải đấu diễn ra.
Như lời cựu HLV Morten Olsen: Vilfort là một con người có tinh thần chiến thắng không thể khuất phục và anh luôn tin rằng bản thân có thể làm được bất kể điều gì ở bất kỳ khoảng thời gian nào dù nó có ảm đạm và mù mịt tới đâu. Và điều đó đã được chứng minh không thể rõ ràng hơn trong chiến thắng mà anh có được cùng đội tuyển Đan Mạch vào mùa hè năm 1992.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Vilfort chẳng thể giữ niềm vui ấy trong một khoảng thời gian dài. Mặc dù Đan Mạch đã đạt được một chiến thắng kỳ diệu trong bóng đá, nhưng lại chẳng có một phép màu nào xảy ra ngoài sân cỏ để giúp con gái của Vilfort thoát khỏi căn bệnh bạch cầu quái ác. Chỉ vài tuần sau khi chứng kiến cha mình trở thành huyền thoại của bóng đá Đan Mạch trong trận đấu mà cô bé đã khăng khăng phải bắt anh tham gia, Line Vilfort đã vĩnh viễn ra đi và đành chấp nhận thua cuộc trong cuộc chiến với căn bệnh bạch cầu.
Dịch từ bài viết Kim Vilfort: The tragic hero of Denmark's EURO 92 glory của tác giả Aidan Williams trên These Football Times